Review kinh nghiệm du hý Đài Loan

Team mình có 4 bạn, tổng chi phí là 11 triệu 1 người gồm
Visa tự làm 1,1tr
Lưu trú 1,6tr 6 ngày
Vé máy bay 3,5tr khứ hồi
Tiền ăn, uống di chuyển 4,8tr
Đài Loan đã quá nổi tiếng dạo gần đây, nhất là với các bạn thích Trà Sữa, các món ăn nhanh hoặc quần áo, mỹ phẩm các lọai. Với chính sách miễn visa như hiện tại thì việc đi Đài Loan cũng ko còn khó lắm. Mình vừa có chuyến đi Đài Loan chi tiết 6 ngày 6 đêm về nên muốn chia sẻ vài kinh nghiệm sống còn với mọi người


1. Visa
Đối với người Việt Nam có hộ chiếu thường, có 2 cách để bạn nhập cảnh Đài Loan hợp pháp
+ Làm visa Đài Loan - cái này có thể tự nộp hoặc nhờ dịch vụ, phí tầm 100$. Tự nộp mọi người có thể lên trang web của văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc để xem. Sổ tiết kiệm CMTC từ 50tr trở lên là ok. Visa thường là lọai nhập cảnh 1 lần thời hạn 14 ngày, nếu "xui xẻo" bạn sẽ được cấp lọai 7 ngày nhập cảnh 1 lần. Sau khi đi xong về phải qua VPKTVH Đài Bắc khai báo nữa.
+ Làm Evisa Đài Loan
Rất nhiều bạn hiểu lầm là Đài Loan miễn visa cho Việt Nam, điều này nói đúng mà cũng ko đúng. Tức bạn vẫn phải apply Evisa, in ra và đem cái đó cùng hộ chiếu cho bên hải quan xem mới được nhập cảnh, chứ ko phải cứ tung tăng cầm Passport lên và đi đâu nhé.
Về phần này thì miễn có visa của các nước Hàn, Anh, Nhật, Úc, Mỹ, Schenghen, New Zealand, Canada và visa Đài Loan còn hoặc hết hạn trong 10 năm thì bạn đựơc cấp giấy phép nhập cảnh (hay còn gọi là Evisa) trong 90 ngày, nhập cảnh nhìêu lần mỗi lần 14 ngày. Bạn nào từng đi lao động Đài Loan thì ko được đi theo diện trên nhé.
Và khi apply cái Evisa này sẽ nhả ngay cho bạn trong 5ph qua mail. Còn nếu ko nhả Evisa tức là đã bị trùng tên Black List cấm nhập cảnh Đài Loan.
Để khắc phục có 2 phương án: Nhờ dịch vụ gỡ Black List 50$ hoặc apply lại visa như cách đầu tiên.
2. Tiền
Nên đổi ra Đài Tệ luôn từ Việt Nam, tránh đổi sân bay do rất mắc. Ngoài ra cần lưu ý bạn sẽ ko thấy tờ 200 và 2000 Đài Tệ do hai tờ này rất hiếm và được xem là tiền xui xẻo của Đài Loan. Nên nếu có bị thối lại thì nên từ chối hoặc giữ làm kỷ niệm. Tương tự với đồng 2 tệ và 20 tệ.
Tỷ giá mình đi 1000VND = 1,4 tệ
3. Ngôn Ngữ
Ngôn ngữ chính thức của Đài Loan là tiếng phổ thông Đài, nghe và nói 80% giống với Đại Lục, có vài âm luyế n, ngoài ra còn có tiếng quảng đông, phúc kiến. Chữ thì 100% phồn thể ở mọi nơi, nhiều nơi công cộng có cả chữ giản thể.
Tiếng Anh chỉ thấy ở những khu du lịch nổi tiếng, chợ đêm lớn ở Đài Bắc và trong tàu điện ngầm.
Người ở Đài Bắc nói tiếng anh tốt nhất, sau đó ngược về miền Nam là Đài Trung... Càng xuống dưới càng ít biết tiếng anh.
Người Đài nói tiếng Nhật cũng rất giỏi do từng bị Nhật đô hộ hồi thời Thanh.
5. Di Chuyển
Tụi mình di chuyển bằng 5 phương tiện chính là Tàu Hỏa, tàu điện, tàu cao tốc, taxi và "đi bộ"
Lý do mình ko thích dùng tàu cao tốc HSR lắm chính là nó ở xa trung tâm thành phố (trừ Đài Bắc), bạn phải dùng bus hoặc taxi để di chuyển ra trạm tàu, đã vậy vé tàu còn mắc hơn tàu thường. Nếu đi nhóm đông các bạn có thể linh hoạt đi taxi, giá mở cửa từ 70-85 tệ, đi 3km tầm 200 tệ 1 xe. Đi bộ thì khỏi bàn, bạn nào ra nước ngoài phải luôn tâm niệm đi bộ là chân lý nhé. Ngoài ra với tuyến Gia Nghĩa A Lý Sơn thì đi bus là rẻ và tiện nhất. Hoặc nếu muốn thong thả hơn thì thuê xe của Klook hay KK mà đi.
+ Tàu điện
Có 2 tp có tàu điện ở Đài Loan là Cao Hùng và Đài Bắc và sắp tới là Đài Trung (2019 hoạt động) tàu ở Cao Hùng có 3 line, line chính là line đỏ nối hầu hết các trạm chính ra các điểm nổi bật. Từ sân bay Cao Hùng về trung tâm tầm 20ph đi tàu line đỏ.
Tàu ở Đài Bắc có 4,5 line gì đó. Đa số các bạn sẽ đi line đỏ, line xanh lá và xanh dương. Còn có line tím tàu nhanh ra sân bay nữa.
Thường đi từ 2-5 trạm tàu là 20, 30 tệ ở cả 2tp
Nếu bạn dừng ở Cao Hùng trước thì mua thẻ Ipass, nếu dừng ở Đài Bắc trước thì mua thẻ Easy Card, 2 thẻ này đều cùng chức năng chi trả tiền tàu, tiền xe buýt, tiền mua đồ trong cửa hàng tiện dụng... Giảm 15-20% cho các line tàu điện ở 2 thành phố, giảm 10% tàu hỏa. Xe buýt cũng đựoc giảm 10% nếu dùng thẻ.
2 thẻ đồng giá 100 tệ, mỗi lần nạp từ 100 tới tối đa 5000 tệ, có máy nạp bằng tiếng anh ở hầu hết các trạm tàu, hoặc vô 711 Family Mart nạp
+ Tàu Hỏa
Mình rất thích Tàu Hòa Đài Loan vì rất tiện, có nhiều chuyến trong ngày, nhiều lọai tàu. Mỗi chuyến cách nhau có 5, 10ph mà bao phủ hết cả Đài Loan. Có thể chia thành các lọai tàu như sau
* Tàu Local : tàu hỏa chậm nhất Đài Loan, dừng ở tất cả các ga, giá rẻ nhất, ko cần đặt chỗ trước, vô là ngồi, ít ghế hơn các tàu khác, có thông báo tiếng anh, dùng thẻ Ipass hoặc Easy giảm 10%. Mỗi tàu cách nhau 5,10ph
* Tàu Tze Chiang Express : tàu hỏa nhanh nhất Đài Loan, lọai tàu nhiều ghế ngồi, cần đặt trước nếu đi vào dịp lễ tết, ngày cuối tuần, ngày thường khỏi đặt cũng được, cứ lên ngồi khi nào có người kêu nhường ghế thì kiếm ghế khác, có chỗ để hành lý trên cao, mắc gấp 2 tàu Local, dùng thẻ Ipass hoặc Easy giảm. 10%, thường 1 tiếng hoặc nửa tiếng mới có tàu này, ko dừng ở tất cả trạm mà chỉ dừng trạm lớn như Tainan, Taichung, Chiayi, Kaohsiung...
* Tàu Chu Kuang : tàu hỏa nhanh nhì Đài Loan, tàu này cũng giống Tze Chiang mà đi chậm hơn chút.
* Tàu Taroko Express : Tàu đi Hoa Liên, bắt buộc phải đặt trước, ko có vé ko đựoc lên tàu tức ko dùng thẻ Ipass hoặc Easy được, tốc độ bằng tàu Tze Chiang.
Để xem khoảng cách địa điểm, giờ đến và lịch tàu các bạn vào trang Taiwan Railway Administrations mục Schedule, nhập điểm đi điểm đến, ngày đi là thấy. Đừng cố đặt vé do cái hệ thống này luôn luôn lỗi.
+ Tàu Cao Tốc:
Lọai tàu nhanh nhất Đài Loan, chỉ có ở bên phía Tây, từ Cao Hùng đi Đài Bắc mất chỉ 2 tiếng, giá vé đắt nhất trong các lọai tàu, như mình nhớ từ Cao Hùng đi Đài Bắc là 1700 tệ. Tuy nhiên có thể săn vé rẻ trước 10 ngày qua website thanh toán bằng Visa Debit hoặc Credit. Giá vé giảm tối thiểu 10% tối đa 35% tùy lọai tàu. Tàu này rất rộng, ghế ngồi êm, có tạp chí bằng tiếng hoa, có máy bán nước trong tàu và đặc biệt là ở ga tàu nói tiếng anh rất tốt, nói chung do Nhật làm nên chất lượng y như Shinkanshen.
Tàu chỉ ghé ở các trạm lớn nên đi rất nhanh, mua vé xong ghi lại mã code ra ga tàu đổi hoặc đổi ở 711 trả thêm 20 tệ.
Tuy nhiên khoảng cách tàu cách trung tâm tp từ 7km trở lên. Ở Đài Bắc thì ngay trung tâm trạm Taipei Main Station. Bạn lên web search Shuttle Bus đi từ trung tâm ra trạm tàu. Thường đi bus này free, đi tầm 30ph là tới.
+ Bus
Ở Đài Loan rất nhiều bus, mà phí cũng rẻ từ 12 tệ, chỗ ngồi rộng rãi thoáng mát, tuy nhiên đợi bus rất lâu và đối với bus đi A Lý Sơn thì khả năng đứng là rất cao nha. Để biết các điểm dừng thì lên tải app Taiwan Bus Tracker. Có thể dùng thẻ để trả, giảm 10 tới 20%
+ Đi Bộ
Hãy tập làm quen với đi bộ, đặc biệt là ở các chợ đêm, A Lý Sơn, Cửu Thập Phần và Bitoujiao các bạn nhé 🤣
4. Lưu Trú :
Đa số các hostel ở Đài Loan đều có giường dorm từ rẻ nhất là 200k đến 350k, rất nhiều trong số đó chia theo kiểu Dorm đơn và Dorm đôi, tức 1 giường 2 người nằm.
Mình đi cũng không cần phải tiện nghi lắm nên thường chọn ở Dorm, và được cái những nơi mình ở đều rất gần trạm tàu hoặc các phương tiện công cộng mà giá thì vô cùng phải chăng.
Cao Hùng
Ở Cao Hùng mình ở Light Hostel Kaohsiung - có thể đặt trên Booking. com ko cần trả phí trước, giá dorm 270k 1 người, phòng có rèm che, nệm êm, phòng ko quá rộng nhưng sáng và ko có cảm giác ẩm thấp. Hostel này nằm ngay cổng ra Exit 9 trạm tàu Formosa Boulevard và cách chợ đêm Lục Hợp chừng 100m thôi, ra ngã tư là tới, quá tiện nghi.
Gia Nghĩa
Gia Nghĩa thì khác, phòng gần ga tàu hỏa ko thiếu nhưng giá rẻ thì hơi bị khó, do đa số các phòng đều là phòng đôi hoặc đơn mà ko phải giường dorm. Mình chọn ở Jia Xin Hotel, cũng có thể đặt trên Booking. Com và ko cần trả trước, chỗ này băng ngang đường chỗ ga tàu là tới nên rất tiện, biết tiếng anh đôi chút, có thể để nhờ balo hành lý để đi A Lý Sơn rồi về check in cũng được. Giá phòng đôi là 750k 1 người, phòng khá đẹp và sang, có cả xà phòng, máy sấy, bồn tắm..
Đài Trung
Ở Đài Trung để tiện thì mình cũng ở gần ga tàu hỏa Đài Trung. Chỗ mình ở là Moon Lake Hotel, nhìn bề ngoài khá đẹp nhưng trong phòng hơi tàn, có thể nói là tàn nhất trong tất cả các phòng mình ở, nhưng vẫn chấp nhận được 7/10. Đặc biệt ở ngay con đường bán toàn quán Việt, nên gọi là Tiểu Việt Nam mới đúng. Giá phòng dorm là 280k 1 bạn.
Đài Bắc
Về phần thành phố lớn nhất Đài Loan thì chuyện tìm khách sạn ko khó, nhưng rẻ và gần trạm Taipei Main Station mới khó. Mình chọn ở Here and There hotel, cách cổng exit 8 trạm Main Station tầm 300m, hostel này ở tầng 6, nhìn khá nhỏ, được cái trang bị tận răng từ máy nước uống cho tới máy sấy, đặc biệt nhận giữ đồ dài hạn luôn. Mình check out sáng sớm mà 7h tối về tắm rửa, sạc pin free vẫn tươi cười nha. Giá dorm chỉ 290k 1 bạn, nhưng lại được ở giường đôi, dù chỉ có 1 người ở, sướng thật, hostel này nói tiếng anh rất tốt luôn.
Ăn Uống
Khỏi phải nói Đài Loan là thiên đường ẩm thực đối với mọi người. Thật ra thì mình thấy đồ ăn Đài Loan chỉ được 6/10 với mình, do nó quá lạt và nhiều dầu mỡ (chắc do miền tây ăn ngọt quá quen rồi). Các hàng trà sữa mình thử đa số đều lạt dù đã kêu để full đường. Các món ăn cũng vậy, trừ Din Tai Fung rất vừa ăn.
Đến Đài Loan phải ăn gì? Nhiều lắm, rất nhiều là đằng khác. Một số món tiêu biểu có thể kể như sau
- Trà Sữa - quốc ẩm của Đài Loan
- Tàu Hủ Thúi, Cơm Thịt Hầm, Xúc Xích Nướng, Mực Xiên Que chiên giòn, Gua Bao, Bánh hẹ, Mì hào, Tiểu Long Bao, Bánh quan tài, bánh dứa, nấm nướng, Thạch Ayi, Gà chiên, sữa đường đen trân châu, cơm cuộn, sữa đậu nành nóng, xôi huyết heo, mì bò.
Các món trên đa số đều có bán ở các chợ đêm, giá cũng từ 20 Đài Tệ đến 200 Đài Tệ một món. Các phần ăn cũng vừa, ko lớn ko nhỏ, một người ăn no 1 buổi cũng phải từ 100 đến 150 tệ.
Một vài hàng quán nổi tiếng ở Đài Loan nên ăn thử:
Lan Gia Gua Bao - chợ đêm Gongguan
Sữa Tươi Đường Đen Trần Tam Đỉnh - chợ đêm Gongguan
Trà sữa chính gốc - Chun Shui Tang Đài Trung
Gà rán Hot Star - chợ đêm Shilin, khu Tây Môn
Acheng Mee Sua ở Tây Môn
4. Lịch Trình
Lịch trình mình đi như sau, các bạn có thể tham khảo hoặc thay đổi
D1: Cao Hùng -Trạm tàu Formosa Boulevard - Đầm Liên Trì (Long Hổ Tự) - Chợ Đêm Lục Hợp
D2: Gia Nghĩa - A Lý Sơn - Chợ Đêm Văn Hòa
D3: Đài Trung - Chùa Khổng Tử - Trạm xe buýt Totoro - tiệm trà sữa Chun Shui Tang - Điện gió Cao Mỹ
D4: Đài Bắc - Tháp Taipei 101 - Khu làng Sisi Nan - Bảo tàng Tôn Trung Sơn - Núi Voi - chợ đêm Nhiêu Hà - Khu shopping quần áo Wufenpu
D5: Cửu Phần - Bitoujiao - Thập Phần - khu Tây Môn
D6: Quảng trường Trung Chính - cảng Đạm Thủy - nhà hàng Din Tai Fung chi nhánh Sogo - chợ đêm Gongguan - chợ đêm Sỹ Lâm
D7: bay về
Review chi tiết
Cao Hùng
Cao Hùng là thành phố cảng lớn nhất Đài Loan và là thành phố lớn thứ 2 Đài Loan. Ở Cao Hùng có tàu điện nên đi lại dễ dàng, tuy nhiên không khí ô nhiễm hơi nặng, từ trên cao mình đã thấy khói mù dày đặc rồi, ban đêm cũng ko náo nhiệt bằng Đài Bắc.
Đầm Liên Trì
Khu vực này rất đông du khách, lúc nào cũng đông, gồm nhiều chùa khác nhau. Mọi người bắt tàu đến trạm Ecological District rồi bắt bus trước cổng trạm để đến, bọn mình đi taxi khoảng 100 tệ từ trạm tàu. Nhớ đi vào hướng đầu rồng và đi ra hướng đầu hổ để được may mắn và bình an, gần đó còn nhiều chùa khác, ban đêm khu này ăn uống cũng vui vẻ tấp nập lắm mà không nhiều bằng bên chợ đêm.
Trạm tàu Formosa Boulevard
Một trạm tàu rất bình thường, có phần vắng nữa, nếu bạn ở ngay hostel mình ở thì 1 ngày đi qua trạm này chừng chục lần, giữa trung tâm là một mái vòm bằng kính đủ màu mà ai cũng chụp ảnh. Ngoài ra trong có các hàng quà lưu niệm nhỏ lẻ khác.
Chợ đêm Lục Hợp
Chợ đêm này nằm sát bên hostel mình ở, dài khoảng 500m, bán rất nhiều món khác nhau nhưng không nhiều bằng trên Đài Bắc, chợ này có bàn ngồi ăn và thùng rác khá nhiều. Nên nhớ ko phải chợ đêm nào ở Đài Loan cũng có bố trí thùng rác, ngoài đường đi cũng vậy. Giá giao động ko quá nhiều, Tiểu Long Bao tầm 100 tệ 10 cái, gà rán 70 tệ 1 miếng...
Gia Nghĩa
Gia Nghĩa rất nhỏ, do là thành phố tỉnh lị, nếu ko cần thiết bạn cũng ko cần ở lại làm gì, còn nếu muốn đỡ mệt sau khi đi A Lý Sơn về thì ghé các KS gần đó nghỉ ngơi. Ở Gia Nghĩa chỉ có chợ đêm Văn Hòa là nổi tiếng nhất
Chợ Đêm Văn Hòa
Chợ đêm dài tầm 500m, nhỏ và rất ít hàng ăn, đa số là quần áo và quà lưu niệm, đặc biệt sau khi đi hết chợ quẹo phải sẽ thấy một dãy quán hàng rất nhiều món.
A Lý Sơn
Để nói về A Lý Sơn thì cả 1 trang cũng chưa hết, tuy nhiên mình sẽ cố gắng liệt kê chi tiết và dễ hiểu nhất về địa điểm này. A Lý Sơn nổi tiếng với bài hát Cô Gái Núi A Lý mà chắc hẳn vài người trong số bạn đã nghe qua do có phổ lời việt từ rất lâu. Đây là nơi sinh sống lúc xưa của những dân tộc thiểu số ở Đài Loan trước khi người ta đến khai phá. Thiên nhiên hữu tình, rừng rậm, chim chóc đều có ở đây. Tuy vậy A Lý Sơn ko phải là ngọn núi cao nhất Đài Loan, mà là Hợp Hoang Sơn (bạn nào đi nông trại Cingjing Farm có thể đi tiếp tới đỉnh Hợp Hoang Sơn cách đó 40km). A Lý Sơn là 1 trong những điểm du lịch thuộc top hút khách nhất Đài Loan, và mình cũng công nhận là A Lý Sơn rất đẹp, thích hợp cho những đứa yêu thiên nhiên như mình. Đừng kỳ vọng quá nhiều nếu bạn là đứa thích sự phiêu lưu mạo hiểm hay cảnh vật ngoạn mục, vì A Lý Sơn nói chung và Đài Loan nói riêng sẽ ko cho bạn cảm giác đó đâu, nên có vài người nghĩ A Lý Sơn chán là vậy.
Để tới A Lý Sơn có 3 cách chính:
Taxi: đi Taxi thì tầm 2000-3000 tệ 1 xe, đa số họ sẽ gom khách hoặc cò mồi sao đó, nhưng nên nhớ nếu ko đi xe công cộng lên A Lý Sơn thì bạn phải trả tiền vé vào cổng gấp đôi tức là 300 tệ 1 người thay vì 150 tệ. Cổng mua vé nằm ngay sau trạm xe bus chỗ 711 200m đi bộ.
Đi Bus: có 2 tuyến bus chính. 1 tuyến đi từ trạm tàu cao tốc HSR Gia Nghĩa với tần suất rất ít, chuyến đầu tiên là 10h45 sáng và chuyến cuối từ A Lý Sơn về HSR là 2h45 chìêu, thời gian đi tàm 3 tiếng, giá vé tầm 350 tệ 1 người, trả bằng thẻ Ipass hoặc Easy Card ko thì mua vé ngay tại quầy vé. Tuyến thứ hai nhiều hơn và tiện hơn, đi từ ga tàu hỏa Gia Nghĩa, mất 2h20 phút cho chuyến này, giá vé 250 tệ trả bằng thẻ Ipass, Easy hoặc mua vé tại trạm, chuyến đầu 6h30 sáng, cứ thế mỗi 1h hay 45ph lại có 1 chuyến. Ga Gia Nghĩa bạn đi thẳng ra thấy có cái trạm bus là nó.
Lưu ý bạn nào trả bằng Ipass hoặc Easy phải chạm thẻ 2 lần, 1 lần lên 1 lần xuống nếu ko sẽ bị khóa thẻ, ngoài ra nếu dùng thẻ lên bus sẽ ko đựoc ưu tiên, tức hết chỗ ngồi bạn sẽ đứng.
Đi tàu hỏa: cách này rất cực và không kinh tế, nói chung chỉ thích hợp với bạn nào dư dả thời gian, tiền bạc và công sức. Vì vé tàu này rất nhanh hết, thường phải mua trước 1 ngày hoặc cả tuần nếu là mùa cao điểm. Tàu này màu đỏ, mỗi ngày 1 chuyến lúc 9h, chia ra 2 phần, 1 phần đi từ Gia Nghĩa tới Phàn Chi Hoa, 1 phần từ Phàn Chi Hoa đi A Lý Sơn, sỡ dĩ chia ra như vậy vì ray chính từ Gia Nghĩa đi A Lý Sơn đã bị hỏng năm 2014 do bão và vẫn chưa sửa xong. Thời gian đi tàu tầm 3 4 tiếng gì đó, mình ko đi nên ko rõ giá bao nhiêu, nghe nói cũng 400, 500 tệ.
Khu vực A Lý Sơn
A Lý Sơn chia ra rất nhiều khu vực, gồm có khu trạm tàu A Lý Sơn, là khu đầu tiên khi bạn đi bus taxi hoặc tàu hỏa đến. Khu này chủ yếu là quầy lưu niệm, nhà hàng và trạm xe buýt, ko có gì nhiều, có thể bỏ qua để lên khu kế tiếp
Khu chính của A Lý Sơn lại chia ra thành nhìêu khu vực nhỏ, bạn nên chụp lại bản đồ khu vực cho dễ đi, lúc mua vé vào cổng A Lý Sơn người ta có phát cho bản đồ nhỏ, nhớ giữ lấy, mà mua vé là bạn phải tự xếp hàng mua nhé.
Khu chính của A Lý Sơn có 2 đường tàu điển hình nối với nhau qua 1 cung trek dài là trạm Zhao Ping và trạm Sacred Tree. Vé tàu từ trạm A Lý Sơn đi 2 trạm này là 100 tệ cho mỗi trạm, có thể chọn đi 1 trong 2 rồi đi bộ qua trạm còn lại. Tàu chạy mỗi 20-30ph 1 lần, đi tầm 6-8 phút thôi rất nhanh. Cái vé tàu rất dễ thương luôn, đặc biệt người ta nói tiếng anh rất ok. Có thể dừng ở nhà ga trạm Zhao Ping để chụp ảnh
Trong A Lý Sơn có nhiều đường đi và tiểu cảnh, thường mọi người sẽ chọn đi từ trạm Zhao Ping đi qua Hồ Tỷ Muội, tới rừng thông, qua Cây Đầu Heo, tới chùa cổ xong vòng qua trạm tàu Sacred Tree để đi xuống hoặc ngược lại. 1 cung như vậy cũng phải mất 4 tiếng vừa đi vừa ngắm cảnh, chụp ảnh và nhớ đem theo nước do rất mất sức. Ở khu chùa cổ giữa chặng Có bán đồ ăn và nước uống, đa số là xúc xích nướng khoai luộc thôi.
Ngoài ra nếu bạn nào dư dả thời gian có thể ở lại A Lý Sơn để ngắm cảnh mặt trời mọc ở trạm Chao Ran Ting. Tàu từ trạm này đi 1 chặng duy nhất mỗi ngày, 5h sáng xuất phát và về lúc 6h30 hay 7h gì đó, tùy ngày thời tiết xấu sẽ ko thấy đựoc mây với cảnh mặt trời mọc ảo diệu đâu nên cân nhắc 😁 Hoặc nếu đi bộ từ trạm Zhao Ping cũng tới được, tầm 30-45ph đi bộ.
Ngoài ra còn có khu vườn trà, khu bảo tồn văn hóa dân tộc A Lý Sơn mà mình ko có đủ thời gian đi, mình dành tận 6 tiếng ở A Lý Sơn ko tính thời gian di chuyển mà còn ko đi được bao nhiêu.
À vào mùa thu thì A Lý Sơn có đổi lá đỏ nhưng tùy chỗ, ko phải cây nào trong rừng cũng đổi lá, đặc biệt vào tháng 10 tới 12 rừng hay có sương mù nhìn rất ma mị nha. Ngoài ra thì cũng có thể đi tháng 3,4 để xem hoa đào nở, nhưng lúc đó rất đông nhé.
Lúc về bạn đi tàu hoặc đi bộ từ trạm Zhao Ping, Sacred Tree xuống trạm A Lý Sơn, lưu ý chuyến cuối lúc 3h45 chiều nhé. Sau đó bạn đi bộ 200m ra chỗ 711 và đợi bus tới rồi leo lên xe về thôi. Nhớ xem lịch chạy để đón chuyến cho phù hợp.
Đài Trung
Mình thấy Đài Trung rộng còn hơn cả Cao Hùng nhưng rất tiếc em nó ko phải là thành phố lớn nhì Đài Loan đâu. Đài Trung đi lại hơi khó khăn do ko có tàu điện, tầm 2019 mới có, nên bạn phải đi bus hoặc taxi, đi bộ. Các nơi chính ở Đài Trung tập trung gần công viên Đài Trung và ga Đài Trung. Mình đến Đài Trung nhưng ko đi Cingjing Farm và Hồ Nhật Nguyệt vì ko thấy có gì hấp dẫn ở đó cả, và cũng vì ko có thời gian nữa. Nên phần này chỉ tập trung ở trong nội ô Đài Trung và Thành phố Chương Hóa.
Đền Khổng Tử
Đền này cách công viên Đài Trung tầm 1km đi bộ, có thể bắt taxi tới. Bên trong kiến trúc rất đẹp và đậm nét trung hoa, tham quan với chụp ảnh thôi là xong. Tầm 30 phút ở đây là đủ rồi.
Chun Shui Tang
Quán Trà Sữa nổi tiếng nhất Đài Loan do là quán đầu tiên đem cái gọi là trà sữa đến với mọi người. Quán này nằm gần ga tàu Đài Trung, giá 1 ly size L ko rẻ tầm 110 tệ sau khi đã giảm 20%, giá chưa giảm 130 tệ. Tuy nhiên uống rất ngon và thanh, trân châu nhỏ nhỏ dai dai, ko quá ngọt. Quán trang trí phong cách quán trà cổ rất đẹp, ngoài ra còn có các món khác mà mình ko ăn. À mà ly size L to tổ bố luôn nhá, mình giật mình luôn đó.
Trạm Bus Totoro
Cách tốt nhất để đến đây là đi taxi, đợi bus hơi lâu, bọn mình đi từ đền khổng tử là 200 tệ, chỗ này cách ga Đài Trung 3km. Chỉ có background là cái trạm xe buýt có Vô Diện và Totoro chứ cũng ko có gì nhiều, bạn nào fan Totoro chắc rất thích, lưu ý đường này có xe chạy nên cần cẩn thận khi chụp ảnh.
Bát Quái Sơn
Để tới đây bạn phải bắt tàu hỏa từ Đài Trung đi Chương Hóa, mất khoảng 20 phút. Từ trạm tàu Chương Hóa đi tới đây khoảng 2km. Đi bằng taxi. Trên núi có tượng phật rất to và cây cầu nhìn thẳng xuống toàn Chương Hóa và Đài Trung rất đẹp, trên này có view cô cùng đẹp luôn, mà mát nữa, hôm mình đi phải ngồi ngẩn ngơ một lúc lâu vì quá mát và yên bình.
Biển Cao Mỹ
Thật ra cũng ko thể xem là biển đựơc, vì dù là phía biển của Đài Trung nhưng biển Cao Mĩ thuộc dạng phù sa nên đen đen, ko tắm đựơc. Hoạt động duy nhất ở đây là đón hoàng hôn chìêu, mà muốn đón một cách êm đẹp cũng khó do rất nhiều người có cùng ý tưởng như vậy, phía bờ biển có cầu gỗ dẫn ra xa ngoài phía cối xoay gió. Nếu gặp ngày thủy triều xuống thì bạn sẽ thấy đủ lọai chim cò, ốc, cua... Còn ngày biển lên thì toàn là nước. Cối xoay gió với background rất đẹp, nếu may mắn trời quang thấy được mặt trời lặn thì ảo diệu vô cùng, còn xui xẻo thì nghĩ là hóng gió mát cũng đựơc. Ngồi trước gió biển, nhìn cối xoay gió xoay cũng lãng mạn lắm.
Bọn mình đi tàu hỏa từ ga Chương Hóa (Chang Hua) đến ga Thanh Thủy (Qingshui) mất 25ph, sau đó đi taxi giá 250 tệ đến Cao Mĩ, tầm 7km. Hoặc các bạn có thể chờ xe bus ngay đầu trạm Thanh Thủy nhưng rất lâu. Chiều về thì tốt nhất là đi taxi về, chứ còn đợi xe bus từ Cao Mĩ tới ga Thanh Thủy, xong từ ga đó đi ga Đài Trung thì ôi thôi mất khoảng 4 tiếng có. Đi taxi dù đắt (1900 tệ) nhưng đựơc cái nhanh, tầm 1 tiếng tới 1 tiếng rưỡi, nhớ là phải trả giá, đa số toàn hét 2500,3000. Còn ai đi từ ga Đài Trung thì phải đi chuyến 2h45 chiều để tới ga Thanh Thủy lúc 3h45, vì đó là chuyến cuối để bạn có thể kịp đón hoàng hôn.
Chợ đêm Phùng Giáp
Đựoc xem là chợ đêm lớn nhất Đài Loan (mà thiết nghĩ chợ đêm Sỹ Lâm ở Đài Bắc còn hoành tráng hơn), đây là cái chợ đêm sầm uất, náo nhiệt và vui nhất khi so với Cao Hùng và Gia Nghĩa. Bên trong bán nhiều nhất là đồ ăn, rồi tới quần áo. Do có nhiều hàng nên cũng nhiều sự lựa chọn hơn, chợ này chỉ có thùng rác, ko có bàn ngồi như ở Cao Hùng, được cái thùng rác to, đường đi cũng sạch sẽ và sáng hơn.
Đài Bắc
Thủ đô ko chính thức của Đài Loan. Mình biết tới Đài Bắc từ rất lâu, lâu lắm, từ những bộ phim thần tượng cho tới lần ca sĩ Đan Trường qua làm đại sứ du lịch, hay sự căng thẳng giữa mối quan hệ của Bắc Kinh và Đài Loan gần đây. Nói chung để mà đi hết các điểm ở Đài Bắc cũng khó, nên mình đã chọn ra những điểm tiêu biểu để đi.
1. Tháp 101
Biểu tượng của Đài Bắc, từ xa đã thấy ngọn tháp từng được xem là cao nhất thế giới năm 2014, bắt tàu line đỏ tới trạm Taipei101, bên trong cũng như tháp đôi Petronas mình từng đi, có mall lớn với rất nhiều hãng thời trang nổi tiếng xa xỉ, bên dưới tầng hầm có bán quà lưu niệm và đặc sản nhưng khá mắc. Đặc biệt Din Tai Fung ở đây rất đông khách, cũng chả hiểu sao người ta chọn ăn ở đây nhiều vậy, do sang, do ăn trong tháp 101 nổi tiếng có cảm giác sung sướng. Ôi đông khiếp, xếp hàng 15 phút lấy số xong 1 tiếng nữa mới có bàn, rồi còn đợi đồ ăn. Thôi cho mình xin. Ngoài ra thì tầng trên cùng có thang máy lên xem, dĩ nhiên phải mua vé giá 500 tệ. Ai đi xem Bitexco, Petronas, Marina Bay rồi thì khỏi đi cho khỏe ha.
2. Si Si Nan Cun
Thôn Si Si Nan là một khu quân sự cũ được trang trí lại kiểu vintage để cho các bạn thích chụp ảnh vào để sống ảo, ngoài ra thì ko có gì đặc sắc hơn. Đặc biệt nếu bạn muốn lấy hết tòa tháp 101 ảo diệu mà ko sợ bị dính xe, dính người trong ảnh thì ngay cái thôn này, trên mấy bờ cỏ xanh là background tuyệt vời luôn. Ở đây đúng kiểu cứ 100m là có ảnh đẹp nhé. Ngoài ra thì bên trong vài căn nhà có bán đồ lưu niệm handmade rất dễ thương, giá từ 50-100 tệ, có cả trà A Lý Sơn bán gói nhỏ nhỏ, nhìn vintage lắm. Bạn cứ search Google là thấy, đi bộ tầm 10 phút từ tháp 101.
3. Khu tưởng niệm Tôn Trung Sơn
Lý do mình tới đây, là để xem thử người Đài Loan nghĩ gì về cha đẻ học thuyết Tam Dân, người đã đem lại cuộc sống mới, lý tưởng mới cho người Đài Loan sau sự cai trị của Triều Thanh và ngay cả trong trời thuộc địa Nhật, ông cũng được xem là vị cha già dân tộc của Đài Loan. Trong bảo tàng có ghi đủ tiểu sử, lịch sử của ông cùng nhìêu hiện vật khác. Đặc biệt là tấm 100 Tệ to tổ bố phía bên trong khu tưởng niệm. Nếu bạn ko phải là người thích tìm hiểu lịch sử thì cũng ko nên ghé chỗ này làm gì.
4 Xiang Shan - Núi Voi
Từ trạm 101 bạn đi tới 1 trạm nữa là trạm cuối, sau đó rẽ trái đi thẳng chừng 400m là tới lối lên núi Xiang Shan. Nên nhớ phải đem theo nước uống và mặc đồ dài nếu ko muốn chết khát và chết ngứa do muỗi cắn. Thời điểm thích hợp nhất để lên núi là buổi chiều chạng vạng do từ đây có view đẹp nhìn ra toàn Đài Bắc lúc hoàng hôn. Còn đi buổi sáng cũng được, sẽ thấy view Đài Bắc ban sáng, lúc đó cũng đỡ đông hơn. Tuy nhiên, nếu chọn đi buổi chiều tối, hãy chuẩn bị tinh thần lặn ngụp giữa hàng đống du khách cũng lên chụp ảnh giống bạn. View đẹp nhất cả cái núi này chính là ở khu Liu Shi - 6 ngọn đá. Đi bộ từ chân núi lên cái view đó tầm 15 phút, và để tận dụng 6 viên đá đó chụp ảnh, bạn phải vận động một chút để leo lên. Hoặc ko thích có thể lên view cao hơn, đi thêm 20 phút nữa, nhưng view cao hơn sẽ bị hạn chế tầm nhìn do cây và vọng ngắm cảnh. Các bậc thang leo bằng đá và rất trơn nếu trời mưa nên cần cẩn thận. Ban tối có rất nhiều người leo lên ngắm cảnh nên ko cần phải sợ ở giữa núi một mình, mà cũng có đèn đường soi sáng nữa. Cảnh view từ đây thì đẹp ngất ngây khỏi nói, cứ như nghìn ánh đèn đang chiếu từ xa vậy, nói chung rất ảo diệu.
7. Chợ đêm Nhiêu Hà
Chợ đêm bán nhiều đồ lưu niệm nhất mà mình biết, giá cũng rẻ hơn các chợ khác, còn đồ ăn thì cũng gọi là như các chợ đêm ở Cao Hùng. Có điều chợ đêm này dài hơn cả chợ Phùng Giáp, phía sau chợ có cái chùa nghe nói cũng linh thiêng lắm. Đi chợ xong có thể đi bộ tầm 1km tới khu shopping quần áo Wu Fen Pu. Từ núi Xiang Shan đi taxi (ko có bus cũng ko có tàu điện) tầm 200 tệ tới chợ, hoặc đi line xanh, 5 hay 6 trạm gì đó từ trạm Chiang Kai Shek Memorial Hall.
8. Cửu Phần
Chắc hẳn mọi người đã từng 1 lần nhìn thấy hình ảnh ngôi nhà bằng gỗ có treo đèn lồng đỏ mà ai cũng gọi là nguyên bản của phim Vùng Đất Linh Hồn Spirited Away và dòng chữ "phải đi khi đến Đài Loan", thật sự thì mình ko đặt nhiều kỳ vọng vào Cửu Phần, và do đó ko bị thất vọng, cũng ko phải là chê nhưng hình như Cửu Phần bị người ta đồn hơi nhiều. Nếu so với Lệ Giang thì đúng thật không bằng. Cái căn nhà gỗ mà người ta hay cho lên ảnh, thật ra là quán trà, và con đường nhỏ từ quán trà chừng 100m là xong. Tuy nhiên, nói vậy ko có nghĩa Cửu Phần chỉ là nơi sống ảo. Mình thích không khí trong lành ở đó, chỉ vậy thôi, không khí mát mẻ và thoáng đãng. Thật ra nếu ngồi trong quán trà mà nhìn ra phía biển xa xa thì cũng rất phiêu. Bên trong khu phố là các hàng quán quà lưu niệm và hàng ăn, rất nhìêu hàng quà lưu niệm bán gần như cùng 1 lọai quà lưu niệm. Do gắn liền với "vùng đất linh hồn" nên ở đâu cũng bán mấy con thú bông Vô diện hoặc Totoro, hay mấy lọai móc khóa trà sữa, đồ ăn Đài Loan, nói chung mua quà ở đây thì khỏi phải lo về mẫu mã mà chỉ lo về giá, nhớ trả giá nha mấy bạn. À mà khu này nên đi sớm tầm 8h30 để chụp ảnh (tức thức lúc 7h nếu bạn ở Đài Bắc), nếu ko bạn sẽ chết ngộp trong biển du khách nhé, rất rất đông, vì đây là điểm đựoc nhiều người ghé nhất Đài Loan.
Để tới đây thì có 3 cách
1. Đi tàu hỏa TRA, ko phải tàu điện nhé, tới trạm Thụy Phương - Rui Feng, mất tầm 1 giờ, 80 tệ hoặc 50 tệ tùy lọai tàu. Sau đó ra khỏi ga tàu, đi sang trái khoảng 300m là thấy trạm xe buýt kế bên sở cảnh sát Thụy Phương - nên nhớ là trạm kế bên sở cảnh sát. Trạm đối diện sở cảnh sát là chiều ngược lại từ Cửu Phần đi về Thụy Phương. Xe buýt đi khoảng 15 phút, 15 tệ, trả bằng thẻ Ipass Easy hoặc tiền.
2. Đi xe buýt, xuống trạm Zhong Xiao Fu Xing, đi bộ tầm 5ph tới trạm đón bus, đi 1 tiếng rưỡi đến Cửu Phần, tầm 90 tệ
3. Đi xe buýt ngoài trạm Tây Môn, số mấy mình quên rồi, tầm 2 tiếng tới Cửu Phần ko cần đổi xe hay tàu, xe buýt này giá tầm 15 hay 30 tệ gì đó, mới ra mắt khoảng 1 tháng thôi.
9. Bitoujiao
Mình biết, không nhiều bạn biết tới Bitoujiao nên cũng ngại ko muốn bỏ thời gian tìm hiểu, nhưng sự thật ở đó rất đẹp, thoáng mát và đáng đi. Để đi hết từ dưới tới đỉnh, bạn phải trek khoảng 1 tiếng, đường đi rất đẹp và thoãng, cảnh nhìn ra phía ngoài biển, kiểu như mình đã từng mong được đến một nơi yên bình như vậy. Từ trường mẫu giáo Bitou, bạn men theo đường mòn lên đỉnh núi, đường thẳng nên ko cần sợ lạc đâu nhé. Đến trạm dừng nghỉ đầu tiên sẽ thấy một con đường mòn nhỏ ẩn sau chòi nghỉ, con đường nãy dẫn xuống biển nhưng đã bị thanh gỗ chắn ngang, thật ra cũng ko nguy hiểm gì đâu, bạn nào thích có thể xuống xem thử. Đi tiếp lên trên sẽ là những đoạn đường đi rất đẹp, một bên là biển, một bên là cỏ xanh, cảm giác thật sự rất nhẹ nhàng và yên tĩnh.
Để đi tới đây, có 2 cách
1. Bạn đón xe buýt từ Cửu Phần, xe buýt Golden Fulong này cứ 1 tiếng có 1 chuyến, trạm ở ngay trạm xe buýt bạn đến Cửu Phần, số xe 586, đi từ Cửu Phần tới Bitoujiao là 30 phút, từ trạm xe bạn đi thẳng lên trên sẽ thấy trường mẫu giáo Bitou, lối mòn lên núi nằm kế bên trường. Giá cé xe buýt 15 tệ, trả bằng thẻ được.
2. Bạn đi taxi từ Cửu Phần, giá 600 tệ cho 12km, giá này bạn sẽ ko trả giá được do như mình hiểu ở Cửu Phần có quy định giá taxi hẳn hòi, và là giá fix.
10. Thập Phần
Nếu đã có Cửu Phần thì ko thể bỏ qua Thập Phần. Ai xem Cô Gái Năm Ấy Chúng Ta Cùng Theo Đuổi đều biết nơi này có phân cảnh thả đèn trời ảo diệu. Và đúng thật là người ta tới Thập Phần để thả đèn. Thật ra mình thấy thả đèn như vậy mất hết ý nghĩa của cái gọi là thả đèn, vì nó như một trào lưu, ai tới Thập Phần cũng thả đèn. Dù mình cũng thả, nhưng chỉ là cho vui chứ cũng ko hy vọng gì nhiều. Người bán đèn làm đủ việc, từ chụp ảnh cho tới giúp bạn viết chữ lên đèn, làm đủ thứ để xứng đáng 200 tệ. Ngoài thả đèn ra thì mình nghĩ Cửu Phần ko có gì đặc sắc hơn. Hai bên đường tàu là những hàng bán đèn lồng để thả, quá nhiều hàng, hàng nào cũng có giá 150 tệ 1 mặt, 200 tệ 4 mặt ko có rẻ hơn, ngoài ra còn có rất nhiều đồ lưu niệm hình đèn lồng, nên mới nói Đài Loan như vương quốc quà luư niệm vậy. Mọi người cứ thả, đèn cứ bay, vài cái bay không nổi rớt xuống đất làm mình cứ thấp thỏm lo sợ cháy. Khi nào tàu đi qua thì người ta nghỉ thả, lia máy quay để chụp cảnh đoàn tàu chạy qua vậy.
Đi tới Thập Phần cũng ko dễ dàng gì, từ ga Thụy Phương Rui Feng đổi line tàu hỏa đi Thập Phần, line Bình Tây Pingxi, line này thì 1 tiếng mới có 1 chuyến, tàu ko nói tiếng anh, cũ và đi chậm, khi tàu đến thì lái tàu thông báo qua loa bằng tiếng phổ thông, thật kinh hãi. Để dễ thì thấy ga nào người ta xuống nhiều nhất thì xuống theo. Tức nếu bạn nào đi Cửu Phần phải quay ngược lại Thụy Phương rồi mới đi tiếp đựoc tới Thập Phần. Và cũng đừng tưởng từ Thập Phần đi tàu về thẳng tới trạm Taipei Main Station, phải trở ngược về trạm Ruifeng rồi đổi line tàu nhé, còn đi taxi 800 tệ 1 người (ko phải 1 xe).
12. Tây Môn
Khu ăn chơi xập xình, sung túc và đông vui nhất Đài Bắc, nằm ở quận Trung Chính, cách Taipei Main Station 1 trạm line xanh dương Bannan. Khu này khá rộng, đa số là bán mỹ phẩm, quần áo, có vài quầy ăn vặt, nhưng có khá nhiều quán ăn, nhà hàng đủ các món. Thi thoảng có các tiết mục biểu diễn đường phố rất vui và thu hút người xem. Đặc biệt có quán Acheng Meesua rất ngon, giá 40 tệ 1 hũ mì nhỏ, có thể chọn lòng heo hoặc hào, cọng mì nhỏ, vị vừa ăn và thơm mùi tỏi, tuy nhiên xếp hàng hơi đông. Ngoài ra còn có hàng gà rán Hot Star, miếng gà rất lớn, lớn bằng ba bàn tay gộp lại, ăn 1 phần là no luôn, gà rất giòn, vị vừa ăn, cay cay do có bột ớt, thời gian xếp hàng mua tới có gà là 45 phút, giá 70 tệ và người bán biết tiếng anh, đựoc giảm 10 tệ nếu mua nước ở quầy kế bên. Người ở đây lúc nào cũng đông nên cần cẩn thận tiền bạc, bạn nào từng đi Bukit Bintang ở Malaysia thì tưởng tượng nó vui gấp 3 lần như vậy nhé.
13. Quảng Trường Trung Chính
Hay còn gọi là quảng trường Tưởng Giới Thạch, do ở đây có đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch. Quảng trường này lên hình đẹp, cần đi sớm tầm 9h sáng để vắng người, đặc biệt rất nhiều đoàn người Nhật và Hàn tới đây tham quan. Đi tàu từ Taipei Main Station line đỏ tới Chiang Kai Shek Memorial Hall, tầm 20 tệ cho 4 trạm. Bên trong nhà tưởng niệm TGT là tượng của người ai cũng biết là ai đấy, rất to, có lính canh gác. Mỗi 1 tiếng đổi ca gác 1 lần, từ 9h sáng tới chìêu 5h thì phải. Ko bị cấm chụp ảnh nhưng cũng nên tôn trọng ko nên làm ồn. Cái khu này đang sửa lại nên hơi mất vẻ mỹ quan. Ngoài ra thì hai khu nhà National Theater Hall ko cho vào tham quan nhá, chỉ có thể chụp ảnh từ ngoài thôi.
14. Cảng Đạm Thủy
Nằm ở phía Bắc Tân Bắc, trạm cuối line tàu màu đỏ, trạm Tamshui, cảng Đạm Thủy đem lại cho mình một cảm giác nhẹ nhàng, khoan khóai của những buổi sáng mùa thu se lạnh. Cảng ko quá đặc sắc, chỉ là một bến cảng bình thường trông ra biển nhưng có con đường bộ đi dạo rất thông thoáng. Đến đây rồi thì nên ăn mực chiên giòn, con mực rất lớn, phải bằng 2 bàn tay người, 1 con tầm 150 tệ, dù để nguyên con ăn rất phiêu nhưng bạn nên cắt ra để dễ ăn, một con như vậy 2 người ăn là vừa. Ngoài ra cũng nên ăn kem, dù không ngon lắm nhưng rẻ, 25 tệ mà có 1 cây kem to phải biết, món A Gei cũng nên thử, đây là đặc sản của Đạm Thủy, một lọai đậu hũ nhồi bún và chả ăn trong nước sốt cay đỏ. Món đó tầm 40 tệ 1 tô, ăn xong thì đi dạo phố cổ gần đó, thật ra cũng ko cổ lắm đâu, có thể xem là một dạng chợ đêm buổi sáng vậy.
Chợ đêm Gong Guan
Chợ đêm này đi line xanh lá, từ trạm Chang Kai Shek Memorial Hall đi tầm 4 trạm là tới trạm Gong Guan.
Cổng exit số 4, đi thẳng và quẹo trái là tới 2 hàng ăn vặt nổi tiếng nhất Đài Bắc. Lan Jia Guo Bao và sữa tươi đường đen Trần Tam Đỉnh. Dù phải xếp hàng cho cả 2 quán nhưng rất nhanh, tầm 10 phút là có, 1 ly sữa tươi đường đen gọi là qing gua nai - giá 40 tệ uống rất ngon, vị sữa của Trần Tam Đỉnh ko quá béo, đường đen ko quá ngọt, vị thanh và trân châu ăn dai, xứng đáng được khen. Lưu ý đây ko phải trà sữa và người ta cũng ko nói tiếng anh. Cứ dùng câu "gẻi wọ yi bei qing gua nại hẻ zhẩn zhu". Đối diện quán Trần Tam Đỉnh là quán Lan Jia Gua Bao, giá 60 tệ 1 cái, có 2 lọai thịt là thịt nạc và thịt mỡ, xếp hàng 10 phút là có ăn, nếu muốn ăn thịt nạc thì kêu "Shou Rou" thịt mỡ thì kêu "Fei Rou" bánh này mềm, dẻo, thịt vị thơm và ngon ko quá béo ko quá mặn, đặc biệt bột đậu phộng đường và dưa cải chua kết hợp lại rất ngon.
Gần hai quán trên là các con đường nằm trong chợ đêm Gong Guan, chợ này rất nhỏ, nhưng đa số là dân địa phương đi, giá cả cũng phải chăng, đi tầm 20 phút là hết.
Chợ đêm Sỹ Lâm (Shilin)
Chợ đêm lớn nhất và nổi tiếng nhất Đài Bắc, đi line đỏ tới trạm Jian Tan sẽ gần hơn là trạm Shilin, qua đường là tới rồi. Chợ đêm này có 2 tầng và nhiều hẻm nhỏ, tầng trên mặt đất bán đồ lưu niệm và chơi trò chơi như bắn banh bắn bi, đánh cờ... Trúng thưởng, mà mình thấy người Đài rất thích mấy cái này, gắp thú, gắp nước hoa, túi xách gì có đủ, mà ở chợ đêm này thì đầy. Tầng dưới thì bán đồ ăn kiểu quầy hàng, menu rất nhiều món, mà quầy nào cũng cùng 1 giá từ 30 tới 200 tệ, tính ra ăn cũng đắt hơn mấy chỗ ăn địa phương khác. Nếu ko ăn ở tầng dưới có thể ăn ở những quầy hàng ăn vặt ở các con đường nhỏ gần đó, nhẩm tính có khoảng 10 con đường nhỏ đan xen chưa kể chợ đêm Sỹ Lâm ở giữa. Nói chung đi chợ này rất mỏi chân mà vô cùng thứ phải mua ăn thử. Đi chợ này cần cẩn thận do rất đông, dễ bị móc túi.

0 Binh luan ve bai viet: "Review kinh nghiệm du hý Đài Loan"