7 ngày lưu lại thế giới phim cổ trang

I. CHI PHÍ: Tỉ giá 1NDT=3,400 VNĐ / 1 USD = 22,300 VNĐ
1. Visa: 65$ đối với hộ chiếu đã từng xin visa. Đối với hộ chiếu trắng, chưa từng có visa sẽ là 70$. Vì nhóm mình đi đông (13 người) xin visa cùng lúc nên hộ chiếu trắng cũng được tính là 65$. Trường hợp bạn nào gấp muốn xin visa nhanh thì cộng thêm 30$.
Làm visa khoảng 1tr5.
2. Di chuyển:
Bọn mình đi theo cung Đà Nẵng – Hà Nội – Nam Ninh – Vé tham quan bảo tàng tranh 3D Artinus (Quận 7) – Xứ sở thần tiên Phượng Hoàng Cổ trấn – Vũ Lăng Nguyên – Trương Gia Giới.
• Máy bay khứ hồi Đà Nẵng – Hà Nội: ~1tr4 (Các bạn có thể săn vé giá rẻ trên các trang của VNA hoặc VJ)

Đặt vé máy bay giá rẻ: http://bit.ly/datvemaybayVTC365
• Từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội sẽ có các chuyến xe bus số 17 (9k/lượt), xe bus 40k hoặc taxi (giá dao động 200-300k).
Lưu ý: Xe bus 9k di chuyển mất 1 tiếng đồng hồ do dừng lại bắt khách, đường vòng sẽ nhồi các bạn ra tương cà tương ớt. Muốn tiết kiệm thời gian nên đi bus 40k hoặc taxi.
• Tàu đi từ Ga Gia Lâm (Hà Nội) – Ga Nam Ninh: 573k/người vé nằm mềm (Mua số lượng đông, 6 vé trở lên đã được chiết khấu 25%)
• Tàu đi từ Ga Nam Ninh – Cát Thủ: 102 tệ/người vé ngồi cứng (93 tệ + 9 tệ phí dịch vụ)
• Từ Cát Thủ - bến xe Thành Bắc (Phượng Hoàng cổ trấn): 25 tệ/người (đã bao gồm phí bảo hiểm 1 tệ)
• Bus từ bến xe Thành Bắc vào trong phố cổ và ngược lại: 1 tệ/ người.
• Bến xe Thành Bắc – Vũ Lăng Nguyên: 100 tệ/người
Ở đây có hai cách đi: 1. Phượng Hoàng đi Vũ Lăng Nguyên: 100 tệ/người hoặc 2. đi Trương Gia Giới: 80 tệ/người.
• Vé xe di chuyển từ khu Hoàng Thạch Trại (Vũ Lăng Nguyên) về cổng chính: 15 tệ/người
• Ô tô từ Vũ Lăng Nguyên – Trương Gia Giới:
Cách 1. Bao xe (di chuyển nhanh khoảng 1 tiếng): 180 tệ/xe 7 chỗ
Hoặc Cách 2. Bắt taxi đến bến xe Vũ Lăng Nguyên, sau đó mua vé xe 20 tệ.
Nhóm bọn mình có 3 bạn về trước nên còn lại 10 người, thuê 2 chiếc = 360 tệ chia ra. Vị chi mỗi bạn chỉ tốn 36 tệ (~123k) tiết kiệm thời gian đến Trương Gia Giới.
• Taxi Trương Gia Giới – Ga Trương Gia Giới: 10 tệ/xe
• Tàu từ Ga Trương Gia Giới – Ga Nam Ninh: Vé ngồi cứng 103 tệ/ người, Nằm cứng có 3 giá khác nhau do vị trí giường khác nhau: 193 tệ/ 201 tệ/ 207 tệ, Nằm mềm 310 tệ/323 tệ
• Taxi từ ga Nam Ninh – Bến xe Lãng Đông: 50 tệ/ lượt
• Từ bến xe Lãng Đông có 2 cách: Đi ô tô từ Nam Ninh thẳng về Hà Nội (chuyến khởi hành lúc 13h20 – khoảng 170 tệ/người) hoặc đi ô tô từ Nam Ninh về bến xe Bằng Tường ( 78 tệ/người ). Sau đó đi taxi ra cử khẩu Hữu Nghị Quan (30 tệ/xe). Nếu có thời gian ở lại Nam Ninh mua sắm, các bạn cũng có thể đi chuyến tàu đêm từ ga Nam Ninh – Ga Gia Lâm, không cần phải ra bến xe Lãng Đông.
• Tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan có xe điện di chuyển (nếu các bạn mệt ko muốn kéo hành lý đi bộ): 5 tệ/lượt hoặc trực tiếp đưa tiền Việt.
• Xe từ Cửa khẩu về Hà Nội: 1500k bao xe (có thể trả giá) hoặc trực tiếp mỗi người 150k nói tài xế đưa thẳng tới sân bay Nội Bài.
Tổng chi phí máy bay, tàu xe di chuyển các thứ tốn khoảng 4tr-4tr5.
3. Vé tham quan:
• Vé khu A Phượng Hoàng cổ trấn: 148 tệ/ người (có hiệu lực 3 ngày).
Lưu ý: Bắt đầu từ tháng 4 trở đi, Phượng Hoàng cổ trấn miễn phí vé vào tham quan phố cổ. Chỉ thu vé đối với các điểm tham quan nhỏ bên trong nếu du khách có nhu cầu.
• Vé tham quan Vũ Lăng Nguyên: Bao gồm tham quan các điểm Thiên Tử Sơn – Dương Gia Giới – Viên Gia Giới – Hoàng Thạch Trại (vé bằng thẻ từ chưa bao gồm cáp treo, đã bao gồm xe đưa đón (环保车) di chuyển đến cáp treo giữa các cảnh điểm): 248 tệ/người
• Cáp treo Thiên Tử Sơn: 67 tệ/ 1 lượt/ người
• Cáp treo Dương Gia Giới: 76 tệ/1 lượt/ người
• Cáp treo Hoàng Thạch Trại: 65 tệ/1 lượt/ người
• Thang máy Bạch Long: 72 tệ/1 lượt/ người
• Vé tham quan Thiên Môn Sơn (Trương Gia Giới): 258 tệ/ 2 lượt/ người (chưa bao gồm cáp treo ngắm cảnh trên đỉnh núi, chỗ này mình không nhớ rõ giá vé cáp)
Tổng chi phí cho vé tham quan khoảng 950 tệ (~3tr3)
4. Ăn uống:
• Cơm: Ăn uống tùy vào mỗi người, trên cơ bản là khá rẻ. Tầm khoảng 25-35 tệ/người cho mỗi bữa cơm ăn chung tại Hồ Nam. Nếu ai không ăn chung thì tự túc lương khô, mỳ tôm, bánh ngọt gì đấy. Đến khu Vũ Lăng Nguyên nên nếm thử lẩu 三下锅 và thịt mặn ướp sấy khô腊肉.
• Đồ nướng khá đắt, cũng không ngon bằng Việt Nam. Không thử cũng chả sao. (Bọn mình ăn đến lúc tính tiền bị chém xiên thịt dê 40 tệ T^T). Hoặc trên đường tham quan phố cổ có thể thử các quán vỉa hè, mùi vị tạm được. Giá tầm 5-10 tệ/ xiên.
• Nước lọc: 2 tệ - 3,5 tệ/500ml (tùy mức độ sang bần của cái bình)
• Bia: 5 tệ - 18 tệ (ngon dở tùy tiền nào của nấy)
• Trà sữa – nhạc sống Phượng Hoàng: 35 tệ/ly (Khuyến cáo: Bình thường trà sữa TQ chỉ tầm giá 5-6 tệ là uống max ngon rồi, vì quán này nhạc sống, trà thì dở nhưng bù lại anh chủ đánh đàn hát hay, lại đẹp trai manly nhiệt tình nên xí xóa bỏ qua ^^!)
• Đối với các loại nước hoa quả nhiều màu sắc ở Trung Quốc, bạn nào khó ăn khó uống xin mời bỏ qua, uống nước lọc cho bền: 2,5 tệ/chai hoặc uống coca 4 tệ/ chai nhỏ.
• Mỳ tôm đủ kiểu: 5 tệ/ hộp (nên thử loại hộp tím, mỳ chua cay vị bò (老坛酸菜牛肉面). Muốn thử loại khác cũng được, dở không chịu trách nhiệm! :D
• Bánh mỳ gối, bánh ngọt đủ kiểu: 3 tệ trở lên, tùy từng loại.
• Đến Nam Ninh khuyến khích các bạn nên thử Bún ốc hoặc mỳ thịt bò (sợi trắng): 6 tệ/ tô ăn max no, rau thêm tự bỏ miễn phí. (螺蛳粉、老友粉). Ăn trong khu chợ trung tâm Nam Ninh thì lựa quán hên xui, ngon dở ráng chịu thôi.
• Trái cây: đủ loại đủ kiểu, bạn nào sợ đồ TQ xin mời bỏ qua. Cơ bản là dở hơn trái cây VN, có mỗi táo là ngon hơn. Lưu ý, TQ tính nửa ký.
• Xúc xích, đồ đóng gói thông thường: Có thể thử xúc xích bắp/ xúc xích cay 1,5 tệ/ cây. Chân gà cay đóng gói: 5,5 tệ/ gói.
Tổng chi phí ăn uống cho chuyến đi 9 ngày tầm 500 tệ là quá dư dả (~1tr5-1tr7)
5. Mua sắm:
• Nam Ninh: khu Trung tâm mua sắm ở Nam Ninh 朝阳广场(百货大楼)/ Chợ Hòa Bình 和平市场. Đồ đẹp, rẻ, đa dạng. Từ túi xách, mũ nón, giày dép, bao tay, đồ điện,... gì cũng có. Nếu có thời gian, các bạn có thể đi sớm hơn để mua sắm, hoặc sau khi về trở lại Nam Ninh.
• Hồ Nam: Ở Phượng Hoàng cổ trấn chủ yếu là các khu bán hàng thủ công mỹ nghệ, khăn quàng cổ, giày dép quần áo thêu tay,... đặc trưng của dân tộc Miêu. Giá cả tùy từng cửa hàng, đắt rẻ đều có. Vũ Lăng Nguyên và Trương Gia Giới chủ yếu là tham quan du lịch, chợ nhỏ, chủ yếu bán loại áo đi núi giống The Northface và đồ chống lạnh. Trong khu du lịch bán đồ gần giống Phượng Hoàng, balo, túi xách thêu tay, đặc trưng dân tộc Miêu và Thổ, giá cả thì trên trời.
Chi phí mua sắm tùy mỗi người, mình không nêu giá cụ thể vì đây là khoảng phụ.
6. Ở: khách sạn ở Hồ Nam tương đối rẻ và đẹp.
• Nếu các bạn lo lắng có thể đặt trước khách sạn qua các trang mạng agoda.com, booking.com hoặc qunar.com. Trước khi đến nhớ gọi điện thoại cho chủ khách sạn đến đón.
• Nếu chưa đặt trước, tại Phượng Hoàng có hơn 800 khách sạn, các bạn có thể đến và thương lượng giá với chủ khách sạn. Giá cả tầm 35-40 tệ/ người/ đêm. Phòng đôi, phòng 4 người đều có.
• Vũ Lăng Nguyên: nên đặt trước khách sạn, sau khi đến bến xe thì gọi điện cho chủ khách sạn đánh xe đến đón. Như thế sẽ đỡ mất thời gian và tiện hơn cho các bạn. (1 vote cho Khách sạn Jiejiehao khá đẹp và tiện, ông chủ thì nhiệt tình có thừa).
• Trương Gia Giới: Đến nơi tìm khách sạn cũng được. Gần đối diện cổng vào khu Thiên Môn Sơn là hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn. Giá cả tầm 70-80 tệ/ đêm/ phòng đôi. Cách ga Trương Gia Giới không quá xa, khoảng 1km.
Tổng chi phí ở khách sạn trong 5 đêm khoảng 300 tệ (~1tr)
TỔNG KẾT CHI PHÍ: ~ 5tr VNĐ và đổi 2500-3000 NDT (Tùy vào mức độ chi tiêu của mỗi người, sau khi kết thúc chuyến đi ăn chơi tẹt ga, nhóm mình mỗi người còn dư được khoảng 500-600 NDT)
II. MỘT SỐ LƯU Ý QUAN TRỌNG:
1. Khi di chuyển từ Nam Ninh đến Cát Thủ và ngược lại, vòng về từ trạm cuối Trương Gia Giới đi Nam Ninh, các bạn nên mua vé tàu nằm cứng thay vì vé ngồi. Tàu chạy chậm, dừng lại khá lâu để khách lên và xuống. Mất thời gian khoảng 12 tiếng. (Trường hợp các bạn muốn tiết kiệm tiền, sức cũng lì có thể ngồi cứng. Khuyến cáo: vật vờ, vất vưởng!)
2. Lên kế hoạch cụ thể trước khi đi. Chọn tuyến đi Nam Ninh – Trương Gia Giới (Thiên Môn Sơn) – Vũ Lăng Nguyên – Phượng Hoàng hoặc Nam Ninh – Phượng Hoàng – Vũ Lăng Nguyên – Trương Gia Giới. Đi theo cách 2 tương đối hợp lý hơn, vì ga Trương Gia Giới nằm ở gần Thiên Môn Sơn, đỡ mất công vòng đi vòng lại.
3. Thức ăn Hồ Nam tương đối mặn, cay, nhiều dầu mỡ, ngũ vị hương nồng, có vị the của hồ tiêu nếu ăn lẩu. Bạn nào kén ăn kén uống, khi ăn cơm chọn món có thể nói với nhà bếp ít mặn/cay hoặc bỏ luôn ngũ vị hương. Còn đã thử qua mà không hợp nữa với khẩu vị người Trung Quốc thì khuyến cáo nên ở nhà và du lịch trong nước. Vì cơ bản đồ ăn TQ ở đâu cũng thế và quan trọng là, trong suốt cả hành trình dài bạn không thể chỉ ăn lương khô và bánh ngọt!
4. Đối với các bạn muốn đi du lịch tự túc tại TQ, tốt nhất trong đoàn nên có ít nhất một người biết nói tiếng Trung tốt. Không phải kiểu tiếng Trung bập bẹ, quơ tay múa chân, body languages như một số nhóm đi về review lại. Vì trừ một số thành phố lớn ra, đại đa số dân TQ không biết nói hoặc giả, biết cũng không thèm nói tiếng Anh. Kể cả những khu du lịch nổi tiếng của TQ cũng rất hiếm có nhân viên biết tiếng Anh. Nếu vẫn kiên quyết đi, đương nhiên là được, nhưng gặp vô số khó khăn trong quá trình di chuyển là điều tất nhiên ai cũng biết!
5. Với khu du lịch ở Vũ Lăng Nguyên, vì khu du lịch này rất lớn, nên bạn nào muốn tiết kiệm thời gian nhìn biển báo chỉ dẫn, bản đồ, không muốn lạc đường... Tốt nhất sau khi mua vé tham quan và qua cổng soát vé từ, các bạn có thể thuê Hướng dẫn viên nội địa, không quá đắt, 1 ngày 100 tệ. Còn nếu không thuê, đương nhiên là được, nhưng khi bạn cầm bản đồ và tự túc, hoặc chẳng may bị lạc, rất khó cậy miệng để hỏi đường từ người dân cho đến nhân viên tại khu du lịch này. Khi muốn hỏi người dân bán hàng 2 bên đường, hoặc muốn chụp hình chung, hoặc mượn điện thoại trong trường hợp bị lạc nhóm, bắt buộc bạn phải mua hàng tại quầy đó. Theo như lời của 1 anh hướng dẫn viên tại đây (hên là gặp anh này nhiệt tình), người ở khu du lịch này đều muốn tạo cơ hội kiếm tiền cho hdv nội địa, nếu bạn đã ko thuê mà tự túc, nghĩa là bạn quá pro 太厉害了rồi, mắc mớ gì còn cầm bản đồ lên mà hỏi đường?

0 Binh luan ve bai viet: "7 ngày lưu lại thế giới phim cổ trang"